Hoa Lư Ninh Bình phát triển mô hình nông nghiệp gắn vớí phục vụ du lịch
Hoa Lư là huyện có lịch sử văn hóa ngàn năm với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú: Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham… Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Bình.
Mô hình trồng sen nuôi cá ở thôn Tràng An xã Trường Yên. Ảnh: TG
Với đặc điểm và điều kiện như trên, nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích trên cơ sở phục vụ cho du lịch… trong những năm gần đây, huyện Hoa Lư đã có chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với phục vụ cho du lịch và dịch vụ du lịch.
Ông Vũ Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hoa Lư cho biết: Với những diện tích trồng lúa kém hiệu quả tại vùng núi, huyện chủ trương chuyển đổi sang trồng cây khác và nuôi con đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái vừa nâng cao được giá trị trên 1 ha canh tác lại có thu nhập từ dịch vụ du lịch. ở hướng sản xuất này, huyện đã triển khai và thực hiện một số mô hình như: Trồng sen Nhật, quy mô 6,2 ha (Ninh Xuân 1,2 ha, Trường Yên 1 ha, Ninh Hải 4 ha) phục vụ du lịch với 2 loại giống là sen trắng cánh kép và sen hồng cánh đơn.
Qua theo dõi bước đầu cho thấy giống sen hồng cánh đơn phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng, thời gian ra hoa dài từ tháng 6 đến tháng 12 và đó là đặc điểm làm nổi bật khu điểm du lịch, thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng, nhất là khách quốc tế. Mô hình cho thu nhập 285,9 triệu đồng/ha (thu từ đài, hạt; bán hoa, bán củ sen), cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa.
Mô hình nuôi cá rô Tổng Trường thực hiện tại xã Trường Yên, quy mô 7 ha gồm: 4 ha nuôi thâm canh trong ao, mật độ thả 25 con/m2; 3 ha nuôi trên ruộng, mật độ thả 10 con/m2. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân với tổng lợi nhuận ước đạt 2.681,7 triệu đồng.
Việc nuôi cá rô trên ruộng đã tận dụng được diện tích đất mặt nước trồng lúa kém hiệu quả và cho lợi nhuận đạt 134 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 2-3 lần; hơn nữa lại không phá vỡ mặt bằng đất canh tác với việc luân canh trong sản xuất ở vụ đông xuân vẫn cấy lúa còn vụ mùa thì thả cá rô. Nuôi cá rô thâm canh trong ao cho hiệu quả cao đạt gần 570 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thực phẩm đặc sản, ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với Hoa Lư nói riêng và Ninh Bình nói chung.
Mô hình nuôi cá kết hợp với trồng sen phục vụ du lịch được thực hiện ở xã Trường Yên, quy mô 5 ha với giống sen bản địa; cá thả là giống chép, trắm ốc, trắm cỏ, chuối. Mô hình cho doanh thu 1 tỷ 419 triệu đồng, trong đó thu từ sen là 343,1 triệu đồng (hạt 318 triệu đồng, bán hoa 20 triệu đồng, chụp ảnh lưu liệm 5 triệu đồng), cá 1.076,5 triệu đồng. Lợi nhuận đạt 811 triệu đồng, trong đó: sen 139 triệu đồng, cá 672 triệu đồng.
Ông Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hoa Lư cũng cho rằng: Các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch của huyện đều mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần làm tăng giá trị trên 1 ha canh tác, đồng thời cũng tạo ra những sản phẩm phục vụ cho du lịch và dịch vụ du lịch.
Năm 2020, huyện Hoa Lư tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình trên nhằm phục vụ cho Năm Du lịch Quốc gia mà Ninh Bình là tỉnh đăng cai, nhất là mô hình trồng sen Nhật với quy mô lên tới 48 ha tại các xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Mỹ, Trường Yên