Giảm béo bằng lá sen: cẩn thận thêm bệnh

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin giảm cân bằng cách uống nước lá sen. Đúng là lá sen tốt nhưng không thể giảm béo.


Cây sen rất quen thuộc với người Việt, mọi bộ phận của nó đều có tác dụng như: hạt sen (liên nhục) dùng cho các món ăn, bài thuốc bổ dưỡng; tâm sen (liên tâm) làm thuốc an thần, ướp trà; ngó sen (liên ngẫu) dùng làm gỏi... Ngay cả lá sen vốn chỉ được biết đến làm lá gói xôi, gói cốm cũng có nhiều công dụng chữa bệnh rất hay.Lá sen (còn gọi là hà diệp), từ lâu đã được y học cổ truyền dùng làm thuốc chữa bệnh. Nó có công dụng an thần, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế loạn nhịp tim. Tác dụng an thần của lá sen mạnh hơn tâm sen, có tác dụng kéo dài giấc ngủ. Nó có thể chữa tiêu chảy, sốt xuất huyết, băng huyết, chảy máu cam, đau mắt, mụn nhọn...Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài những tác dụng mà người xưa đã phát hiện, lá sen còn có tác dụng chống xơ vữa động mạch, do trong lá có nhiều loại alkaloids và flavonoid đặc biệt; ngoài ra còn có tác dụng giải độc nấm. Do đó, trên lâm sàng hiện nay, lá sen còn được sử dụng để phòng ngừa và chữa trị cao huyết áp, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành tim và viêm túi mật.


Giảm béo bằng lá sen: cẩn thận thêm bệnh - Ảnh 1.


Về việc giảm mỡ bằng lá sen theo các nhà khóa học thì điều này là có, nhưng hiệu quả giảm mỡ bụng, giảm béo không cao. Mà tác dụng giảm mỡ được nhiều người nhắc đến ở đây thực ra là giảm mỡ máu. Tức là tác dụng hạ mỡ trong máu của lá sen chứ không phải là giảm béo.Theo PGS, TS. Nguyễn Duy Thuần - Phó Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, thì: "Chưa thể kết luận lá sen có tác dụng giảm béo mà nó chỉ điều hòa lipid máu theo xu hướng làm giảm lipid tự do và cholesterol máu và dùng có lợi cho người béo chứ không thể nói là uống để giảm cân được. Đó là chưa kể, trong các bộ phận của sen trừ hạt sen (đã bỏ tâm sen), ngó sen và tâm sen, các bộ phận khác đều có chứa Alcaloid giúp an thần và tác dụng lên tim mạch và đều phải dùng đúng liều quy định".
Bệnh nhân ngộ độc vì dùng lá sen có thể gặp các triệu chứng như: tê môi, lưỡi và niêm mạc miệng, nôn nao, hoảng hốt, da xanh xao, chân tay lạnh, vã mồ hôi, co giật, mạch nhỏ yếu, khó bắt, tim đập chậm, không đều, rối loạn tim mạch, tụt huyết áp… Ngoài ra, chính tác dụng thanh nhiệt trong lá sen dễ làm cho người thể hàn bị tiêu chảy, nhiệt độ hạ thấp, chân tay lạnh, đi tiểu nhiều.Ngoài ra, hầu hết xưa nay mọi người đều sử dụng lá sen khô để đun nước uống nhưng lại không hề biết rằng khi chúng ta phơi khô lá sen sẽ làm mất đi hầu hết hàm lượng flavonoid (thành phần chính giúp hạ mỡ máu). Chính vì sự giảm mất đi hàm lượng này so với khi lá sen còn tươi mà hiệu quả hạ mỡ máu không cao. Để giải quyết vấn đề này thì chỉ còn cách sử dụng lá sen tươi. Nhưng lá sen tươi lại có 1 nhược điểm lớn đó là khi hãm khó uống, không bảo quản được lâu do lá sen chỉ cần đưa ra ngoài 1 thời gian ngắn là đã bị khô héo rồi.


Giảm béo bằng lá sen: cẩn thận thêm bệnh - Ảnh 2.


Chỉ nên sử dụng lá sen ngày 1 lần, sau bữa ăn tối là tốt nhất. Do lá sen có tác dụng bình ổn huyết áp, hạ áp rất tốt nên cần uống khi ăn no và trước khi ngủ. Điều này giúp bạn ngủ sẽ rất ngon. Nếu không bị bệnh không nên dùng lá sen. Khi dùng điều trị cũng chỉ nên dùng  15 – 20 ngày/đợt nghỉ 10 ngày rồi dùng tiếp thêm 1 – 2 đợt nữa nhưng tối đa không được quá 3 đợt/năm.

Nguồn: vneconomy.vn
 

Copyright © Sen Hoa Lu. All Rights Sen Hoa Lu

Thiết kế bởi Aptech