Nét đẹp Hoa Lư
Tết Nguyên đán 2022 đã cận kề, không khí tưng bừng chuẩn bị chào đón năm mới ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đang rộn ràng, nhộn nhịp. Khắp nơi và đâu đâu cũng thấy tràn ngập sắc xuân. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên mọi hoạt động vui xuân của người dân Hoa Lư nói riêng và Ninh Bình nói chung đều hạn chế.
Năm 2021, nhìn lại 1 năm có nhiều biến cố, song nếp sống mới của một huyện nông thôn mới vẫn luôn được duy trì, phát triển. Một trong những dấu ấn rõ nét nhất là công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn được lãnh đạo và nhân dân đặc biệt chú trọng, lồng ghép trên nhiều mặt trận phát triển KT-XH.
Sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch
Với sự đầu tư đúng hướng từ các địa phương, nhiều diện tích xen kẹt, bóng núi, đất trũng, ruộng xấu trên địa bàn huyện được chuyển sang trồng hoa lan, trồng sen, nuôi cá,… để phát triển du lịch sinh thái thân thiện với môi trường đã cho giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình cho thu nhập từ 230 - 300 triệu đồng/ha.
Theo báo cáo của HTX nông nghiệp Khê Hạ (xã Ninh Xuân): Mô hình trồng sen kết hợp du lịch sinh thái đang là một trong những mô hình nổi bật của địa phương. Bắt đầu từ năm 2019, Khu du lịch hang Múa triển khai mô hình trồng cánh đồng sen với diện tích khoảng 1,2 ha dưới chân núi Ngọa Long để phục vụ cảnh quan, sinh thái. Đến nay, dưới chân núi hang Múa xuất hiện đầm sen Nhật xanh mướt, nhất là khoảng thời gian tháng 6, 7 và 8 là thời điểm sen nở rộ, đẹp nhất. Cùng với con đường gỗ hình trái tim giữa đầm sen, nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm check-in nổi tiếng và đã được cộng đồng mạng, khách du lịch bình chọn danh hiệu “hồ sen đẹp nhất Việt Nam”.
Nhờ hiệu quả của mô hình, đến nay xã Ninh Xuân đã có 4,2 ha trồng sen, khoảng 1 ha lúa - cá các loại phục vụ dịch vụ du lịch. Giống như ở Ninh Xuân, xã Ninh Thắng cũng đang phát triển thành công mô hình trồng sen Nhật phục vụ du lịch sinh thái. Mỗi năm từ 3 - 5 vụ, đầm sen trên địa bàn xã Ninh Thắng đã cho “thu hoạch” bằng việc phục vụ dịch vụ du lịch mang về giá trị kinh tế cao hơn 5 - 6 lần so với trồng lúa.
Còn ở xã Trường Yên, địa bàn có nhiều hang động đá vôi, khe suối, là nơi sinh sống của loài cá rô Tổng Trường đặc trưng, nay được bảo tồn, nhân rộng ra nuôi thương phẩm. Mô hình nuôi cá rô Tổng Trường thực hiện tại xã Trường Yên hiện có quy mô 7 ha, trong đó 4 ha nuôi thâm canh trong ao và 3 ha nuôi trên ruộng (lúa - cá). Đây là nguồn thực phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực thu hút nhiều du khách khi đến chiêm bái ở miền đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến.
Quá trình thay đổi sinh kế từ khi có sự tác động của phát triển du lịch đã làm phong phú thêm sinh kế của người dân các xã Hoa Lư, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định hơn. Theo kết quả khảo sát tại khu vực di sản Tràng An, tác động hoạt động du lịch tạo ra những tích cực như: Hoạt động Du lịch di sản mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng. Trước hết, góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử thông qua sự kết nối, tham gia của người dân trong cộng đồng. Thứ hai, thông qua việc tham gia vào các hoạt động du lịch và được giới thiệu về các di tích lịch sử của địa phương, người dân sẽ biết rõ hơn về lịch sử và truyền thống góp phần tạo dựng niềm tự hào, giá trị văn hóa địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ; Du lịch đã giúp biến đổi sinh kế bằng cách đa dạng hóa các ngành nghề, cư dân trong vùng có thể có nhiều sự lựa chọn nghề để tham gia phù hợp với khả năng, điều kiện của mình. Trước đây, người dân sinh sống trong khu vực di sản quần thể di tích Tràng An chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công thì nay hoạt động du lịch tác động làm ra nhiều ngành nghề mới như: Kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, bán hàng, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, vận chuyển khách,… sự thay đổi này làm cơ cấu lao động theo hướng hợp lý hơn, người lao động có cơ hội dễ tìm việc làm và có thu nhập cao hơn trước; nguồn lực con người thay đổi theo chiều hướng tích cực, dưới tác động của du lịch khi ruộng đất không còn là kế sinh nhai chính, đã dẫn đến thay đổi trong nhận thức của cư dân vùng di sản là đầu tư cho công tác giáo dục cho con em để có kế sinh nhai tốt hơn trong tương lai và có thể quay lại làm ngành nghề mà du lịch mở ra; tác động du lịch mang lại cho vùng di sản Tràng An một hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là giao thông, đường điện, nước, thông tin liên lạc. Người dân cũng được hưởng lợi khi giá đất tăng, tài sản cũng tăng do được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng của nhà nước. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân Hoa Lư hôm nay đã có nhiều thay đổi trong cách làm, cách nghĩ và nhận ra giá trị mang lại từ du lịch sinh thái thân thiện với môi trường và trách nhiệm tham gia BVMT tại địa phương sẽ cứu cánh cho cuộc sống của chính mình và cộng đồng.
Lan tỏa mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp”
Mô hình “nhà sạch, vườn đẹp” xuất phát từ việc cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 -2020, phong trào thi đua dân vận khéo và phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp” được Hội LHPN huyện Hoa Lư phát động từ năm 2019 với mục tiêu để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp ngay từ trong gia đình. Các tiêu chí của mô hình đều gắn chặt với tiêu chí môi trường của chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã phát triển thành phong trào rộng khắp bởi tính thiết thực, được đông đảo hội viên ủng hộ nhiệt tình. Ý thức giữ gìn nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phân loại và xử lý rác thải,... đã trở thành nếp nghĩ, thói quen của mỗi hộ gia đình, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh: Xanh, sạch, đẹp trong khu dân cư,...
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 20 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” được xây dựng và thực hiện tại các xã Ninh Giang, Trường Yên, Ninh Hải với trên 100 hộ gia đình tham gia bước đầu thực hiện có hiệu quả. Thông qua việc thực hiện mô hình, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã lắp đặt mới 67 thùng thu gom rác thải sinh hoạt; trồng mới 13,4 km đường hoa, nâng tổng chiều dài “Đoạn đường hoa phụ nữ” lên 39,54 km; xây dựng 2 tuyến đường kiểu mẫu dài 1,5 km,...
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoa Lư cho biết: Ngay khi phát động thực hiện mô hình, Ban Thường vụ Hội đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn tổ chức khảo sát khu vực nhà ở của các hộ gia đình hội viên để chọn lựa các mô hình điểm và vận động hội viên tham gia. Đến từng gia đình tuyên truyền, vận động để hội viên hiểu về lợi ích, nội dung mô hình với phương châm “cầm tay chỉ việc”; vận động, hướng dẫn hội viên từ những việc nhỏ nhất, như dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ từ nhà ra ngõ, chỉnh trang lại khuôn viên vườn, chặt bỏ những cây không có giá trị kinh tế và thay thế bằng những cây có giá trị cao hơn; cải tạo không gian sống bằng cách chỉnh trang lại tường rào và cổng vào nhà, trồng hoa, cây xanh, cây rau hàng hóa. Cùng với đó, phân công hội viên quản lý đoạn đường và tổ chức dọn vệ sinh định kỳ; vận động hội viên và nhân dân phát dọn hành lang giao thông, khơi thông cống rãnh, san gạt đất trồng hoa và cây xanh hai bên đường thôn,... với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ kết quả, sâu sắc, cụ thể, linh hoạt, sáng tạo”.
Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hoa Lư huy động lực lượng tham gia tư vấn, cải tạo vườn, trồng cây, trồng hoa, như Đoàn Thanh niên tham gia quét vôi, treo các giỏ hoa, làm đường điện led trang trí; phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn dọn vệ sinh môi trường hàng tuần và đặc biệt là vận động người dân trong thôn tích cực hưởng ứng các hoạt động của mô hình,... tạo sức lan tỏa rộng rãi không chỉ trong các cấp hội mà còn tới các tổ chức, đoàn thể khác.
TN&MT