Ninh Bình 30 năm ấy như một khúc hoan ca nhiều chương, được viết nên bởi sự đoàn kết trên dưới một lòng, bởi niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng để làm nên dáng vóc Ninh Bình hôm nay. 30 mùa xuân đã tạc vào hồn thiêng sông núi bao công sức, trí tuệ, tâm huyết của nhiều thế hệ đã vì sự phát triển của vùng đất Cố đô địa linh nhân kiệt này mà vượt qua khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, chung khát vọng vì một Ninh Bình rạng rỡ trên bản đồ Việt Nam.
Câu chuyện với bác Nguyễn Thanh Túc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trong những ngày đầu xuân như những thước phim lịch sử giúp chúng tôi nhìn lại hành trình 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, nhất là giai đoạn đầu. Tỉnh Ninh Bình tái lập trên cơ sở giữ nguyên trạng vị trí địa lý, địa giới hành chính của tỉnh Ninh Bình thời điểm hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh (năm 1976), gồm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã.
Bác Túc nhớ lại: "Thời điểm đó, cán bộ và nhân dân trong tỉnh rất phấn khởi, vui mừng trước việc chia tách tỉnh Hà Nam Ninh, có nhận thức đúng đắn về chủ trương thành lập lại tỉnh Ninh Bình; có khí thế quyết tâm cao xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển. Cùng với khí thế đó, truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, giàu lòng yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh giữ nước của nhân dân Ninh Bình đã giúp tỉnh ta vượt qua khó khăn thời kỳ đầu để có những bước phát triển bứt phá sau này.
Mặc dù là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng thực trạng kinh tế - xã hội thời điểm đó đặt ra những khó khăn thách thức lớn trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương. Bộ máy tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ chuyên môn, lại không đồng bộ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống xã hội trong tình trạng thấp kém, lạc hậu. Đi đôi với khó khăn về cơ sở vật chất là sự yếu kém về chất lượng của các ngành y tế, giáo dục, văn hóa.
Năm đầu tái lập, tỉnh chỉ được cấp kinh phí 5 tỷ đồng để hoạt động. Tốc độ phát triển sản xuất từ năm 1980 đến 1990 tăng bình quân chưa đến 1%. Sản lượng lương thực bình quân mới đạt 330 kg/người/ năm. Thu nhập của người lao động thấp, một bộ phận nhân dân đời sống rất khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn lớn. Thu, chi ngân sách ở địa phương mất cân đối lớn, thu không đủ chi". Xuất phát điểm của Ninh Bình khi tái lập là tỉnh nghèo, yếu và thiếu mọi mặt nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Tỉnh ủy đã đề ra nhiều quyết sách đúng đắn, chủ động, kịp thời, phù hợp với đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và sát hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương. Đoàn kết đã tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, đưa Nghị quyết của Đảng thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
Những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đạt được từ khi tái lập tỉnh đã tạo nền tảng quan trọng, tạo thế và lực mới, động viên sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và quân dân toàn tỉnh tích cực phấn đấu, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ Lương Văn Tại, lão thành cách mạng năm nay đã 98 tuổi đời, 74 năm tuổi Đảng, đã chứng kiến sự phát triển của tỉnh Ninh Bình nhiều năm qua đã không dấu được niềm tự hào, xúc động về những đổi thay trên quê hương. Cụ tâm sự: "Tỉnh ta bây giờ so với 30 năm trước có sự phát triển vượt bậc về chính trị, kinh tế, xã hội.
Từ một tỉnh chỉ có duy nhất một thị xã trực thuộc với 1, 2 tuyến đường chính nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt, nhà cửa lụp xụp nay đã là một tỉnh du lịch với những điểm đến hấp dẫn, có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Những con đường thênh thang rộng mở thay thế những con đường đất lầy lội; những tòa nhà hiện đại mọc lên san sát thay thế cho nhà cấp bốn. Các đô thị, khu công nghiệp, khu vui chơi, xã nông thôn mới... đã hiện diện, làm thay đổi căn bản diện mạo thành thị cũng như vùng nông thôn". Sự chuyển mình mạnh mẽ qua 30 năm phát triển của tỉnh đã hòa chung vào sự phát triển đi lên của đất nước, dưới ánh sáng của các kỳ đại hội Đảng.
Một Ninh Bình sau 30 năm đã mang một tầm vóc mới, diện mạo mới với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Những năm qua, tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước, nhiệm kỳ 2015-2020, GRDP theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 8,03%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, chiếm 45%; khu vực dịch vụ 43%; GRDP bình quân đầu người đạt 64,8 triệu đồng. Sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của người dân; sự quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đã và đang đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững.
Sự nhấn mạnh của nữ Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà trong những lần phát biểu gần đây khiến tôi rất ấn tượng và kỳ vọng về một năm 2022, 30 năm sau tái lập tỉnh sẽ là năm của hành động; hành động để đưa các nghị quyết đã ban hành từ năm đầu nhiệm kỳ đi vào thực tiễn cuộc sống; hành động để dân tin, để khẳng định những nghị quyết xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống chứ không phải trong phòng lạnh; hành động để thấy cả hệ thống chính trị đang chung sức đồng lòng cùng người dân xây dựng tỉnh Ninh Bình xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có, phát huy truyền thống văn hóa với khát vọng đổi mới, không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới. Xuân Nhâm Dần đã về.
Trong không khí rạo rực ngày xuân và sắc thắm của đào, mai đang đua nhau hé nở, nhìn lại chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình-vùng đất Cố đô địa linh nhân kiệt từ trong gian khó càng vững lòng tin, cùng cả nước hòa tấu nên những cung đàn xuân mới. Đi trong không gian căng tràn nhựa xuân, ta thấy đỏ mãi màu cờ, thắm mãi niềm tin về tương lai và những kỳ vọng phía trước.
Nguồn: Quỳnh Thu - baoninhbinh.org.vn