Sản xuất sen lấy củ - Hướng phát triển mới tại Việt Nam
Hoa sen có tên khoa học Nelumbo nucifera, là một trong những cây hoa đẹp, dễ trồng, có từ lâu đời và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau: trồng làm cảnh, lấy hoa trang trí, làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh.... Hoa sen đi vào lịch sử, vào thơ ca vào hội họa và đặc biệt với vẻ đẹp và ý nghĩa thanh tao, hoa sen đã được được một số quốc gia lựa chọn làm Quốc hoa như Ấn độ, Ai Cập và trong đó có cả Việt Nam.
Các giống sen được phân làm 03 nhóm chính dựa theo mục đích sử dụng đó là: sen trồng lấy củ; sen trồng lấy hạt, lấy gương; và sen trồng lấy hoa trong đó nhóm giống sen trồng lấy củ được quan tâm phát triển, có thị trường tiêu thụ và mang lại hiệu quả cao nhất. Từ năm 2012, sản lượng củ giống sen Nhật Bản sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng mà phải nhập trung bình 20.000 tấn/năm dưới dạng củ đã qua chế biến từ Trung Quốc (Trung bình mỗi năm Nhật Bản tiêu thụ mỗi năm 90.000-100.000 tấn củ sen)
Ở Việt Nam, cây sen được trồng nhiều trong các ao hồ, giống sen chủ yếu là nhóm sen lấy hoa và sen lấy hạt ( tổng diện tích trồng sen ước tính trên 3.000 ha), như vùng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Nam Định, Huế trong đó tập trung nhiều tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ( Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Bến Tre) chiếm 2/3 tổng diện tích trên, sản lượng bình quân đạt 4 - 5 tấn hạt/ha, trong 2 năm trở lại đây một số tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã bắt đầu chuyển hướng sang trồng loại sen có củ để cung cấp cho thị trường Nhật Bản với số lượng không đáng kể, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,03%. Vậy tại sao cùng nước láng giềng ngay cạnh chúng ta mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu củ giống sen được khoảng 20% sang thị trường Nhật bản, mà Việt Nam chúng ta mới chỉ xuất được một lượng rất nhỏ (chưa đến 1%), đó là vấn đề chúng ta cần quan tâm, tìm hiểu.
Tại Trung Quốc, giống sen lấy củ được trồng tập trung thành các khu ruộng sản xuất. Diện tích trồng sen của Trung Quốc hiện nay có trên 250.000 ha, sản lượng trên 3 triệu tấn củ/năm. Số liệu thống kê từ 2013 - 2017 của Bộ Nông lâm ngư Nhật về lượng sen nhập khẩu của Nhật hầu hết đến từ Trung Quốc (chiếm trên 99%). Thời vụ thu hoạch củ sen của Trung Quốc kéo dài từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau. Hiện nay có 2 tỉnh sản xuất sen lấy củ nhiều nhất tại Trung Quốc đó là Vân Nam và Hồ Bắc. Sản phẩm củ giống sen sản xuất tại tỉnh Vân Nam chủ yếu người dân trồng để bán sản phẩm tươi cho các nhà hàng, còn củ giống sen sản xuất ra tại tỉnh Hồ Nam chủ yếu cung cấp cho các công ty để chế biến thành các sản phẩm thực phẩm như chè sen, cháo sen, bột sen….
Tại Tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, sen được trồng nhiều nhất tại 2 huyện Kiến Thủy và Thông Hải, ở đây ruộng trồng sen người dân chia thành các ruộng nhỏ để tiện canh tác, ngăn cách giữa các ruộng là bờ đi lại (bờ đi lại có thể đắp bằng đất, hoặc đổ bê tông chắc chắn để giữ mực nước ổn định cho sen), ruộng trồng sen có thể canh tác sen lẫn với ruộng trồng rau, trồng đỗ. Ruộng trồng sen có thể canh tác được nhiều lần, thu hoạch vụ này lại trồng tiếp cho vụ sau cùng trên một thửa ruộng đó.
Ruộng trồng Sen củ tại Huyện Kiến Thủy – Vân Nam – Trung Quốc:
Trao đổi về kỹ thuật trồng sen với người dân cho biết: họ chỉ sử dụng một giống sen trồng lấy củ, giống có hoa màu trắng, lá dày, to tròn, sinh trưởng phát triển tốt, kháng sâu bệnh cao, năng suất củ tươi đạt 2.000 kg/ 1 sào (667m2 đơn vị tính của Trung quốc). Một năm người dân trồng 2 vụ: Vụ Đông Xuân ( tháng 2 - tháng 3 dương lịch) và vụ Hè thu ( tháng 7 - tháng 8 dương lịch). Mực nước khi trồng thích hợp với cây sen củ từ 15 - 20 cm. Khoảng cách trồng: cây cách cây 0,5cm; hàng cách hàng 2m, tương ứng với mật độ 10.000 củ/ha. Liều lượng phân bón 1.800 kg NPK tổng hợp/ha, bón thúc chia làm 4 lần. Thời điểm thu hoạch củ giống khi thấy lá sen bắt đầu chuyển màu nâu ( 5 - 6 tháng sau khi trồng). Củ giống sau khi thu hoạch được tại đây đều được các thương lái đến thu mua ngay tại ruộng với giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đ/kg, hiệu quả kinh tế đạt cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa, do vậy hầu hết các hộ dân ở đây đã chuyển hướng từ trồng lúa sang sản xuất sen và đây cũng là nguồn thu nhập chính của họ.
Củ sen được thu hoạch từ ruộng:
Các món ăn thông thường được chế biến từ củ sen tươi:
Củ sen sau khi thu hoạch, được sử dụng tươi chế biến các món ăn thông thường như sen xào, bánh sen, sen hầm, nộm sen…., ngoài ra củ sen còn được chế biến thành các sản phẩm đóng hộp, bao gói mẫu mã đẹp như chè sen, cháo sen, mứt sen, kẹo sen, bánh sen…
Sản phẩm chè sen, cháo sen qua chế biến:
Như vậy, có thể nói rằng sản xuất hoa sen nếu biết khai thác triệt để những tác dụng của cây hoa sen không chỉ sản xuất ra để chơi, để ngắm mà trong tương lai chúng ta cần phát triển những chủng loại hoa để làm thực phẩm, làm du lịch, làm nguyên liệu phục vụ cho các ngành nghề khác tạo thành một chuỗi liên kết giữa 4 nhà ( nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp..). Hy vọng trong tương lại gần, Việt Nam chúng ta sẽ có những vùng chuyên canh sản xuất Sen lấy củ như hai vùng Kiến Thủy và Thông Hải đồng thời có những những nhà máy chế biến các sản phẩm từ củ sen, mang thương hiệu Việt Nam phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
ThS. Lê Thị Thu Hương
Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả