Bật mí tác dụng của Tâm sen đối với sức khỏe

Sen là một loài cây phổ biến, được biết đến như quốc hoa của Việt Nam. Tất cả các bộ phận của loài cây này đều được dùng để làm thuốc. Nhiều người thắc mắc tác dụng tâm sen, uống tâm sen có tác dụng gì? Bài viết này trình bài về một bộ phận làm thuốc khá đặc biệt của Sen, đó chính là Tâm sen.

1. Tâm sen là gì?

Tâm sen, hay còn được gọi là Liên tâm, Liên tử tâm. Tên khoa học là Plumula Nelumbinis. Đây là cây mầm cây được lấy từ chính giữa hạt cây Sen, thuộc họ Sen (Nelumbonaceae) đã phơi hay sấy khô.

Gương sen chứa hạt sen, trong hạt sen có Tâm sen
Gương sen chứa hạt sen, trong hạt sen có Tâm sen

1.1 Mô tả Tâm sen

Tâm sen có độ dài khoảng 1 cm, rộng khoảng 0,1 cm. Phần trên của nó là chồi mầm màu lục sẫm, gồm 4 lá non gấp vào trong. Phần dưới bao gồm rễ và thân mầm, có hình trụ, màu vàng nhạt. Mặt cắt ngang của nó có nhiều lỗ hổng (khi xem bằng kính lúp).

Tâm sen
Tâm sen

1.2 Tâm sen có chất gì

Theo GS. Đỗ Tất Lợi, Tâm Sen có 5 alcaloid, tỷ lệ toàn phần là 0,89% – 1,06%, như liensinine, isoliensinine, neferine; lotusine, motylcon, paline. Ngoài ra còn có nuciferin, bisclaurin (alcaloid) và betus (base hữu cơ).

Theo những nghiên cứu khoa học hiện đại gần đây, hơn 130 hóa chất đã được phân lập và xác định từ Tâm sen. Trong đó bao gồm ancaloid, flavonoid, polysaccharid và dầu dễ bay hơi.

2. Tác dụng của tâm sen

Tâm sen có lịch sử y học hơn 400 năm. Nó được sử dụng rộng rãi để an thần và thanh nhiệt, làm dịu tâm trí. Nó có tinh chất làm se và cầm máu trong y học cổ truyền Trung Quốc. Hơn nữa, nó còn dùng được dùng để làm thực phẩm bên cạnh việc làm thuốc.

Tâm sen còn được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu bất sản, mất ngủ, bệnh não và bệnh phụ khoa trong các nghiên cứu lâm sàng.  Các tác dụng dược lý được nghiên cứu gần đây của Tâm sen cho thấy nó có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, tổn thương phổi và thận, các hoạt động chống viêm và chống ung thư. Tâm sen cũng được đánh giá bằng các nghiên cứu in vitro và in vivo. Gần đây, các tác dụng của Tâm sen trên các bệnh tim mạch và thần kinh đã được chú ý nghiên cứu.

Theo GS. Đỗ Tất Lợi, Tâm sen có vị đắng, tính lạnh. Công dụng: Thanh tâm, an thần trừ phiền. Chủ trị: Chữa mất ngủ, trấn tâm an thần, giải phiền lao, chữa nói nhảm, di mộng tinh, tăng khí lực.

3. Cách sử dụng Tâm sen

3.1 Chế biến tâm sen như thế nào?

Chế biến Tâm sen: Lấy quả bể ở những gương sen đã chín già. Loại bỏ vỏ cứng bên ngoài rồi ngâm hoặc ủ cho mềm, bỏ lớp vỏ lụa đỏ, thông lấy tâm sen. Phơi hay sấy nhẹ 40 °C đến 50 °C đến khô.

Bảo quản Tâm sen rất đơn giản, chỉ cần để nơi khô ráo, thoáng mát là được.

3.2 Liều dùng Tâm sen

Uống tâm sen đúng cách với liều từ 2 g đến 5 g, thường phối hợp trong các bài thuốc.

4. Các bài thuốc từ Tâm sen

4.1 Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường

Dùng Tâm sen 8g; Thạch cao 20g; Sa sâm, Thiên môn, Mạch môn, Hoài sơn, Bạch biển đậu, Ý dĩ, mỗi vị 12g. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

4.2 Trị chứng hồi hộp, mất ngủ, đau vùng tim (canh hạt sen-tim heo)

Dùng 60g hạt sen, 1 cái tim heo, Phòng đảng sâm 40g.

Chế biến: thái mỏng tim heo. Hạt sen bóc bỏ vỏ ngoài và tim bên trong. Dùng rượu rửa sạch Phòng đảng sâm, thái khúc. Cho tất cả vào nồi, thêm 6 chén nước, nấu với lửa lớn đến khi sôi. Để sôi trong 10 phút, hạ lửa nhỏ. Nấu tiếp 2 giờ nữa thì dùng được.

4.3 Uống tâm sen chữa mất ngủ, hay hồi hộp, huyết áp cao

Dùng từ 1,5 – 3g tâm sen, pha trà uống.

5. Kiêng kị khi dùng Tâm sen

Người cơ thể có tính lạnh uống Tâm sen vào, ban đầu cũng ngủ được nhưng về lâu dài sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường.

Tâm sen là phần mầm xanh chính giữa của hạt Sen. Tâm sen có công dụng thanh tâm an thần, làm dịu tâm trí. Uống tâm sen chữa mất ngủ, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường. Tuy nhiên người bệnh có cơ thể có tính lạnh thì không nên dùng.

Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, nếu muốn biết chính xác cách sử dụng Tâm sen để điều trị bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Copyright © Sen Hoa Lu. All Rights Sen Hoa Lu

Thiết kế bởi Aptech