Đưa sen ra thế giới
Tốt nghiệp thạc sĩ Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Phạm Kim Tiến (35 tuổi, xã Kim Liên, H.Nam Đàn, Nghệ An) đã bôn ba khắp nơi, nhưng rồi lại chọn về quê khởi nghiệp từ sen và đã đưa sản phẩm ra thế giới.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Tiến cho biết: “Bao đời nay sen quê Bác đã có tên tuổi rồi nhưng sen cứ tàn rồi sen lại nở mà thu nhập kinh tế không đáng kể. Vì thế, tôi muốn phát triển nghề trồng sen và xây dựng thương hiệu cho làng nghề”.
Anh Tiến đã đi khắp nơi tìm hiểu các loại sen truyền thống của Việt Nam như sen Đồng Tháp, sen ở Huế, sen Hồ Tây (Hà Nội)… và nhận thấy sen mỗi vùng có một thế mạnh và đặc trưng riêng nên có thể sử dụng nhiều loại sen để đưa ra các sản phẩm đặc trưng.
Anh Phạm Kim Tiến với những “bông sen khởi nghiệp” cho doanh thu hàng tỉ đồng
Anh cũng tìm tòi và nhập khẩu về các giống sen mới từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… lai tạo và nhân giống để có tới 65 giống sen quý. Từ hoa sen chỉ có 2 màu trắng và hồng, thì nay đã có cả màu đỏ, vàng và có những loại sen chuyển màu sáng hồng, chiều trắng. Đặc biệt, sen không chỉ có từ 12 - 22 cánh mà có loại ngàn cánh…
“Chúng tôi đã tạo nên sự khác biệt cho sen, nên đã nâng tầm giá trị của sen. Ví dụ loại sen ngàn cánh, có thể chơi được 8 ngày mới tàn, trong khi sen thường chỉ 1 - 2 ngày. Vì thế, loại sen này cũng được bán với giá 100.000 đồng/bông. Hay có những super sen có thể mát xa cho nở trước 1 ngày…”, anh Tiến kể.
Sen không chỉ để chơi, mà anh đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất ra 12 sản phẩm từ sen như: trà lá sen, hạt sen sấy khô, hạt sen sấy giòn, trà tâm sen, củ sen muối chua ngọt, nhang sen, trà sen, nón lá sen... Năm 2019, anh đã có 3 sản phẩm đạt OCOP, trong đó trà ướp sen đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và đang mở rộng thị trường sang các nước khác.
Đặc biệt, để phát triển sản xuất, anh đã tập hợp những người trẻ cùng đam mê để thành lập HTX Sen quê Bác. Hiện HTX có 17 thành viên tham gia liên kết sản xuất, với tổng diện tích canh tác 32,5 ha. Tổng doanh thu HTX năm 2020 lên tới 6 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 2 tỉ đồng. HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên và 15 lao động thời vụ với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Để có được những thành công đó, anh Tiến cho biết “khó khăn không kể hết”. “Những ngày đầu về làm sen, nhiều người hoài nghi lắm, vì bao năm nay chả ai nghĩ có thể kiếm tiền từ cây sen. Có người còn bảo ăn học bao năm rồi lại về lội bùn. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm khởi nghiệp”, anh Tiến chia sẻ.
Để làm mỗi sản phẩm từ sen là quá trình nghiên cứu kỳ công, học hỏi và ứng dụng công nghệ làm sao để sản phẩm mang đặc trưng riêng. Anh kể, để làm ra những sản phẩm từ sen có giá trị luôn đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn cùng với máy móc hiện đại và đặc biệt cứ 4 giờ sáng anh đã đi ra đầm lội bùn để làm sen. “Một trong những sản phẩm cao cấp nhất được làm ra từ cây sen là trà ướp bông sen, nhưng đòi hỏi quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt, kỳ công trong từng công đoạn. Vào mùa sen nở, những bông sen Bách Diệp to nhất còn đang hàm tiếu (chúm chím nở) sẽ được cắt vào khoảng 4 giờ sáng khi chưa có ánh sáng mặt trời, sau đó mới mang về thực hiện công đoạn ướp”, anh Tiến tâm sự.
Với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo từ sen, anh Phạm Kim Tiến đã được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu năm 2020.