QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA SEN TRONG CHẬU

GIỚI THIỆU CHUNG

Cây Sen (Nelumbo nucifera) là loại cây thủy sinh đa niên có nguồn gốc châu Á, xuất phát từ Ấn Độ, sau đó lan qua Trung Quốc, Nhật Bản, vùng đông bắc Úc châu và nhiều nước khác. Cây sen là biểu tượng của sự thịnh vượng, thiêng liêng và bất tử của nhiều nền văn hóa khác nhau trong nhiều thế kỷ.

Ở Việt Nam cây sen được xuất hiện nhiều trong đời sống từ văn học nghệ thuật đến mỹ thuật truyền thống và văn hóa ẩm thực, nên đã trở thành hình tượng rất gần gũi thân quen với con người Việt Nam.

Cây sen có đặc điểm: Sống lâu năm dưới nước, lá rất rộng (30 -70cm) nổi lên cao, lá màu xanh lục, mép lá nguyên, phiến lá hình khiên. Hoa đa màu, nhiều lá đài và cánh hoa. Hoa được nâng cao trên những cuống hoa chắc mập. Quả thuộc loại quả đóng được gắn vào trong 1 phần nạc, khi quả chín đế hoa trở nên khô và hóa gỗ.

Cây sen được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, làm dược liệu, thực phẩm, cảnh quan, trang trí … Trên thế giới hiện có hàng nghìn giống sen các loại, ngoài những giống sen được trồng ở ao hồ đầm lầy thì còn có nhiều giống trồng chậu đang rất được ưa chuộng.

MỘT SỐ GIỐNG SEN PHỔ BIẾN HIỆN NAY

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các loại giống sen khác nhau được chọn tạo từ trong nước và nhập khẩu tử các nơi trên thế giới, tuy nhiên chúng chia làm các nhóm chính sau:

– Nhóm sen cho củ: cho năng suất củ rất cao, chất lượng tốt nhưng không có hoặc có rất ít hoa, thích hợp trồng ở các chân đất lúa trũng, hoặc đất cao, nhưng duy trì được lượng nước sâu 20-30cm.

– Nhóm sen cho hoa: Hoa to, nhiều, màu sắc đẹp nhưng không có củ. Hoa có một, hai hay nhiều tầng cánh, có giống có đến  hàng ngàn cánh ( nên thường được gọi là sen ngàn cánh). Màu sắc của hoa đa dạng từ màu trắng, vàng, tím, đỏ hoặc có 2 màu trên 1 cánh (màu trắng ở phần dưới và màu tím ở trên). Nhóm sen cho hoa cũng có gương nhưng hạt nhỏ, năng suất hạt kém, thích hợp trồng ở trồng ở hồ, ao, đầm lầy.

– Nhóm sen cho hạt: Cho nhiều hoa với tỷ lệ hạt chắc cao. Hạt lớn, có hương vị thơm ngon. Giống thường chỉ có một tầng cánh, màu đỏ, rễ mảnh và không có củ, thích hợp trồng ở hồ, ao, ruộng trũng.

– Nhóm sen làm cảnh: hoa cánh kép, ra hoa quanh năm, hoa bền, đẹp, dùng làm hoa cắt cành hoặc làm cảnh, phù hợp trồng ở hồ, ao, ruộng trũng, hoặc ở các chậu, vại…

Tùy theo các mục đích khác nhau mà ta chọn những giống sen phù hợp cho mỗi vùng trồng, địa phương và người đầu tư.
Tùy từng giống/nhóm giống mà có đặc điểm sinh trưởng và nở hoa khác nhau, vì vậy quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc cũng khác nhau.

Quy trình giới thiệu dưới đây được áp dụng cho những giống sen trồng chậu.

KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC SEN TRỒNG CHẬU.

1. Thời vụ trồng

Sen trồng chậu có thể trồng quanh năm, nhưng có 2 thời vụ chính là
Vụ Đông Xuân: Trồng vào tháng 1 đến tháng 3 dương lịch.
Vụ Hè Thu: Trồng từ tháng  7  đến tháng  8  dương lịch
Trồng thời vụ tháng 3 cây sẽ nhanh cho hoa và năng suất hoa nhiều hơn cây trồng thời vụ tháng 8.

2. Chọn vị trí trồng:

Sen trồng chậu có thể đặt ở bất cứ vị trí nào sao cho đảm bảo đủ ánh sáng và đáp ứng được mục đích trồng, sử dung

– Đối với người sản xuất ở quy mô lớn có thể đặt trên nền ruộng, sân, vườn, đảm bảo cây vừa đủ điều kiện sinh trưởng và thuận tiện trong quá trình chăm sóc. Nên đặt thành hàng khoảng cách giữa hai chậu 10-20 cm, khoảng cách hàng 20-30 cm, từ  2-3 hàng để 1 lối đi thuận tiện cho việc chăm sóc.

– Đối với người sử dụng: có thể đặt ở sân, ban công, tùy theo nhu cầu, tuy nhiên vẫn phải đẩm bảo đầy đủ ánh sáng, có như vậy chất lượng hoa mới tốt và nhiều..

3. Chuần bị giá thể và chậu trồng

– Giá thể trồng sen chậu gồm hỗn hợp đất, phân.

+ Đất nên sử dụng loại ruộng trồng lúa, hoặc bùn ao, nếu không có đất ruộng hoặc đất bùn ao thì nên sử dụng loại đất có độ kết dính cao. Hàng năm đất phải được thay mới hoặc bổ sung mới.

+ Phân, dùng để bón lót sử dụng phân chuồng hoai mục trộn đều với đất theo tỷ lệ 7:3, có thể bổ sung thêm tỷ lệ vôi bột sao cho pH phải luôn đảm bảo 6 – 6,5.

– Chậu trồng sen: Tùy mục đích sử dụng mà chọn chậu trồng cho phù hợp về kích thước và chất liệu. Có thể sử dụng chậu sành, sứ hay chậu nhựa …, sử dụng chậu chậu kín đáy, nên sử dụng loại chậu cao thành để duy trì lượng đất và nước phù hợp.
Giá thể được đưa vào khoảng 2/3 hoặc 3/5 chậu, sao cho khi bơm nước thì đảm bảo độ sâu của nước luôn là 10-13 cm.

4. Lựa chọn giống trồng và xử lý mọc mầm.

Một số giống sen trồng chậu hiện nay: Sen bách diệp, sen nghìn cánh, sen phạt bà quan âm. Đặc điểm chung của các giống sen này là đã sắc màu (hồng, đỏ, trắng, tím, xanh …), ho anhieeuf cánh, hương thơm ngát, sai hoa, thân thấp, phù hợp trồng chậu, cây sinh trưởng quanh năm.

Giống sen trồng chậu được sử dụng chủ yếu là hạt. Sử dụng hạt F1, chọn hạt to, tròn, mẩy, cứng, thường những hạt này sẽ là những hạt mang gen di truyền tốt.

– Xử lý tiền mọc mầm: Hạt được tiến hành xử lý tiền mọc mầm bằng các cách

+ Mài, dũa hoặc dùng kéo cắt lớp vỏ trên phần đầu hạt, không được mài và cắt vào phần thân hạt, vì khi ngâm hạt sẽ bị thối.

+ Hoặc có thể ngâm trong dung dịch axit sunfuric nồng độ 0,1% để làm mềm vỏ hạt trong thời gian 15-30 phút, khi có dấu hiệu hạt và dung dịch ngâm chuyển sang màu đen thì vớt ra rửa lại bằng nước sạch.

– Xử lý mọc mầm: Hạt sau xử lý tiền mọc mầm cho ngâm vào nước để nảy mầm, hàng ngày nên thay nước 1-2 lần. Sau 3-5 ngày hạt bắt đầu mọc mầm, 2-3 ngày tiếp theo lá thứ nhất dài khoảng 3-5 cm đem ra trồng.

5. Kỹ thuật trồng

Hạt sau khi nảy mầm đưa ra trồng vào chậu đã được chuẩn bị sẵn, khi trồng độ sâu vùi hạt đảm bảo sao cho mép lá thứ nhất bắt đầu chạm mặt đất, đặt mũi lá thứ nhất nghiêng với mặt đất góc 450  để tránh hiện tượng héo lá khi cuống lá dài ra nếu bị nước cạn giai đoạn mới trồng.

Trồng mầm, 1 chậu, mỗi chậu sau trồng được đánh dấu và ghi thông tin về giống, thời gian trồng …
Cây giai đoạn mới trồng phải được quản lý lượng nước chặt chẽ, như thế sẽ tạo điều kiện cây sinh trưởng tốt và sớm ra hoa.

Chậu sen sau trồng nên đặt ở nơi có đầy đủ ánh sáng, đặc biệt, ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào buổi sáng sớm.

6. Kỹ thuật bón phân

– Yêu cầu bón đầy đủ, cân đối NPK đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng suốt trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây sen. Ngoài ra, phải bổ sung hợp lí các yếu tố đa lượng như là Ca, Mg, S (lưu huỳnh), Si và các yếu tố vi lượng khác như là Fe, Mn, B, Cu, Zn, Mo, Cl.

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại phân bón, có thể sử dụng bón cho sen như một số loại phân sau:

– Sử dụng phân Đầu trâu NPK 17127+TE (0.5 CaO+0.5MgO+TE)

Cách bón như sau:

+ Bón thúc lần 1: 30 ngày sau trồng bằng cách tháo cạn nước trong chậu cho trực tiếp vào sạ đều xung quanh cây con, sau 1-2 h bơm nước vào như ban đầu. Liều lượng 0,1 kg/chậu.

+ Bón thúc lần 2 : sau lần 1 từ 20-25 ngày, định kỳ các lần tiếp theo 20-25 ngày. Cách bón như bón lần 1.

– Hoặc có thể sử dụng loại phân bón chậm tan 14-13-13 + TE, cách sử dụng như sau: Bón ngay trước khi chuẩn bị trồng bằng cách rải đều trên mặt chậu và chìm sâu trong đất ít nhất 1-2cm. Liều lượng bón 20 g/chậu. Định kỳ bổ sung sau 3 tháng.
Chú ý: Ngoài việc bón phân cho cây, phải quản lý pH đất và nước trong chậu, luôn đảm bảo pH 6 – 6,5.

7. Quản lý nước, ánh sáng

Thường xuyên bổ sung nước vào chậu, để luôn duy trì ở trạng thái nước ngập mặt 10-13 cm, đặc biệt những này nắng nóng. Nếu nước không đảm bảo, lượng Oxy tồn tại trong nước sẽ giảm, làm cho việc sinh trưởng kém đi, dễ gây bệnh, cây sớm tàn. Nên tưới nước và buổi sáng, Hạn chế tưới vào buổi chiều.

Sen là loại cây ưa sáng, vì vậy yêu cầu phải được trồng ở nơi có đầy đủ ánh sáng đặc biệt ánh sáng trực tiếp vào buổi sáng, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo thuận tiện trong quá trình chăm sóc.

8. Diệt cỏ dại và phòng, trừ sâu bệnh

   1.Diệt cỏ dại

Sen sau khi trồng, cần phải phòng trừ cỏ dại, bèo nổi.

– Cỏ dại có thể đã được tồn dư trong đất từ trước, có thể được phát sinh mới, khi có cỏ xuất hiện cần loại bỏ sớm, để tránh cạnh tranh dinh dưỡng và ảnh hưởng đến cây khi 

Bèo nổi là loại gây hại cho sen vì khi bèo xuất hiện sẽ chiếm dụng diện tích bề mặt của cây, cản trở cây sinh trưởng, khi có bèo xuất hiện cần diệt sớm ở thời điểm trước khi lá nổi xuất hiện, hoặc sau khi lá đứng xuất hiện.

   2.Phòng trừ sâu, bệnh

Đối với sen có một số loại sâu bệnh hại chính sau:

– Sâu ăn tạp (Spodoptera litura)

+ Triệu chứng: Thường xuất hiện và gây hại trong mùa nắng, chủ yếu ăn lá non đến trưởng thành. Sâu lớn nên dể thấy, ăn nhiều làm rách lá

+ Biện pháp phòng trừ: Dùng tay bắt thủ công. Dùng thuốc Lanate, Confidor liều lượng 10ml/16 l nước

– Bệnh thán thư (Colletotrichum sp.)

+ Triệu chứng: Bệnh tấn công trên hầu hết các bộ phận của cây như: Lá, bông, hạt, gương

+ Biện pháp phòng trừ: Rút nước cạn nước, sử dụng: Score 250EC 7-10ml/bình 8 lít, Rhidomil Gold 68%WP 25g/bình 10 lít, Daconil 10ml/bình 8 lít. Sau 1 ngày tiếp tục cho nước vào chậu.

– Bệnh mục nát:

+ Đây là loại bệnh sinh lý. Bệnh phát sinh phụ thuộc vào giống, thời vụ trồng và kỹ thuật canh tác.

+ Biện pháp phòng trừ : Hạn chế bón N, tăng bón P khi bệnh xuất hiện. Không nên trồng sen ở thời vụ đông. Sau mỗi vụ trồng sen chậu, đất phải được thay mới. Luôn duy trì và đảm bảo mực nước trong chậu.

9. Cắt tỉa lá già hoa tàn 

Sen trồng chậu sau khoảng 30-45 ngày bắt đầu cho hoa, hoa nở liên tuc trong năm, vụ hè hoa nở sớm hơn và nhiều hoa hơn vụ đông.

Sau mỗi đợt hoa nở, tàn phải cắt bỏ cuống hoa, kết hợp với cắt tỉa và loại bỏ các lá già, lá sâu bệnh, tạo độ thông thoáng cho cây sinh trưởng tốt.

10. Vận chuyển tiêu thụ

Sen có thể xuất bán bất kể thời kỳ nào của cây, cây con, cây đã và đang nở hoa. Tuy nhiên phải chú ý khâu vận chuyển. Có thể sử dụng phương pháp sau:  Để nguyên cả chậu hoa, tháo cạn nước, xếp lên xe chở chuyên dụng, xe có thể 1 hoặc nhiều tầng, đảm bảo sao cho các chậu không được xếp chồng lên nhau, tránh hiện tượng cây dập nát và gẫy mầm. Sau khi cây đã ổn định nơi sử dụng tiếp tục bơm nước trở lại như ban đầu và chăm sóc theo quy trình trên

Copyright © Sen Hoa Lu. All Rights Sen Hoa Lu

Thiết kế bởi Aptech