Trồng sen xuất khẩu sang Nhật Bản

Trồng sen không lấy hoa hay hạt mà để lấy củ và ngó. Cách làm mới này đã giúp anh Tạ Quang Sửa ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.

Dự kiến thu tiền tỷ

Ðưa chúng tôi đến khu vực trồng sen của gia đình, anh Sửa phấn khởi xoải tay giới thiệu về cánh đồng sen rộng lớn đang cho thu hoạch ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc). Anh trồng gần 20 ha sen lấy củ và ngó ở xã này, xã Gia Khánh (cùng huyện Gia Lộc) và xã Ðồng Lạc (Nam Sách)

Anh Sửa tự nghiên cứu, tìm tòi các công thức chế biến củ và ngó sen tại nhà

Chỉ vào từng đống củ xếp tầng tầng, lớp lớp giữa ruộng, anh Sửa cho biết sen lấy củ cho năng suất khoảng 5 tạ/sào, còn sen lấy ngó khoảng 3 tạ/sào. Với giá bán từ 13.000 - 16.000 đồng/kg ngó, 15.000 - 17.000 đồng/kg củ, gia đình anh Sửa dự kiến thu lãi từ 1,5-2 tỷ đồng/vụ. Trồng sen lấy củ sau 5 tháng sẽ cho thu hoạch, sen lấy ngó sau 45 ngày và thu hoạch liên tục trong 8 tháng.

Bẻ phía đầu non một củ sen vừa lấy lên, anh Sửa rửa sạch rồi đưa cho chúng tôi nếm thử. Vị sen ngọt mát như đánh thức mọi giác quan. Ðể thu được thành quả ban đầu như vậy, anh Sửa cùng với ê kíp của mình đã rất vất vả.

Anh Sửa kể về những ngày "bén duyên" với cây sen. Ðầu năm nay, trong một chuyến đi chơi kết hợp tìm cơ hội làm ăn, anh tới mảnh đất Tân Thạnh (Long An). Mô hình trồng sen lấy củ và ngó ở đây đã khiến anh mê mẩn. Vốn là cử nhân chuyên ngành thổ nhưỡng và môi trường đất, anh Sửa thấy đất đai quê mình phì nhiêu, màu mỡ, phù hợp cho cây sen phát triển. "Ở quê, tôi đã thuê được khoảng 35 ha đất của bà con nông dân. Tôi quyết định mang cây sen về trồng", anh Sửa nói.

Nói là làm, anh Sửa tìm đến ông Phan Văn Tiễn ở ấp Hải Hưng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - người nổi tiếng có kinh nghiệm trồng sen lấy củ và ngó để mời ông làm cố vấn. "Nếu ở miền Nam tôi sẽ giúp anh ấy ngay nhưng vì đất đai, khí hậu ở ngoài Bắc khác, không biết cây sen có cho củ và ngó tốt không? Tôi do dự lắm", ông Tiễn cho biết. 

Ông Tiễn cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn như đầu ra cho sản phẩm, tìm người thu hoạch... Tuy nhiên, anh Sửa kiên quyết: "Phải làm mới biết, khó đâu sẽ khắc phục". Cảm phục trước nhiệt tình và quyết tâm của anh Sửa, ông Tiễn nhận lời làm cố vấn cho anh mà không lấy công. Ðến nay, ông Tiễn vẫn đi lại giữa Long An với Hải Dương để giúp anh Sửa theo dõi sự phát triển của cây sen, tư vấn các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sen.

Ðối với sen lấy củ, từ khi nhổ cây giống đến khi trồng cho phép kéo dài 1 tuần nên anh Sửa vận chuyển bằng xe tải từ Long An về Hải Dương. Riêng sen lấy ngó phải trồng trong vòng 24 giờ sau khi nhổ cây giống nên anh Sửa phải vận chuyển bằng đường hàng không. "Chi phí vận chuyển khá lớn. Về tới nơi là chú Tiễn giúp tôi trồng ngay nhưng chỉ 50% số cây sống", anh Sửa cho biết.

Cây sen phát triển khá nhanh và thuận lợi. Tuy nhiên, ốc bươu vàng chuyên ăn mầm non còn chuột thì cắn cả cây già lẫn cây non làm sen không phát triển hoặc chết. Ðể hạn chế sự phá hoại của ốc bươu vàng và chuột, anh Sửa thuê người diệt ốc với giá 5 triệu đồng/ha, diệt chuột với giá 25.000 đồng/con. Tổng chi phí trồng mỗi ha sen từ 50 - 70 triệu đồng, chưa kể tiền thuê người thu hoạch.

Trên cánh đồng sen thơm mát, những người thợ lấy củ đang miệt mài làm việc. Họ dùng tay lách sâu xuống dưới lớp bùn. Không lâu sau, những củ sen to, trắng ngần từng khúc đã được những bàn tay điệu nghệ kéo lên. "Sen lên tốt thế này nhưng không phải cây nào cũng có củ. Chỉ những cây có lá xoăn nhỏ lại mới là cây đã xuống củ, có thể thu hoạch được", ông Lý Thành Sang, một người thợ quê ở Sóc Trăng nói.

Ðây cũng là lý do anh Sửa phải kỳ công thuê toán thợ lấy củ ở tận Sóc Trăng ra thu hoạch. "Sóc Trăng cũng là một trong những vùng đất trồng sen nên thợ ở đây lấy củ rất thuần thục, không bỏ sót hay làm đứt gãy củ. Còn người dân quê mình chưa thể làm được", anh Sửa cho biết.

Hợp đồng xuất khẩu 2 triệu USD

Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản sang thăm mô hình trồng sen của anh Sửa

Ðất không phụ lòng người, niềm vui lớn nhất hiện nay của anh Sửa là tương lai củ và ngó sen sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản cử đại diện trực tiếp về thăm mô hình trồng sen của gia đình anh. Theo đánh giá ban đầu từ phía đối tác, củ và ngó sen do anh Sửa trồng đạt yêu cầu, đặc biệt củ to vượt 20% so với các vùng nguyên liệu họ đã từng ký kết ở miền Nam.

Chiều 29/8 vừa qua, anh Sửa đã ký kết hợp đồng xuất khẩu củ sen tươi đầu tiên với Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản trị giá 2 triệu USD. Mỗi ngày, anh Sửa cung cấp 500kg củ sen tươi cho phía đối tác với giá 2,2 USD/kg (cao gần 3 lần giá trong nước) trong vòng 5 năm liên tục.

Ngày 4/9 tới, lô hàng đầu tiên của anh sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản. Niềm vui như vỡ òa nhưng với anh, nỗi lo trước mắt còn rất lớn. “Không những bảo đảm chất lượng củ sen theo tiêu chuẩn của phía Nhật Bản đưa ra, chúng tôi còn phải đáp ứng đủ số lượng 500 kg củ sen tươi mỗi ngày cho họ", anh Sửa cho biết. Để có đủ hàng xuất khẩu theo hợp đồng, trước mắt anh Sửa hợp tác thêm với một số người dân trồng sen ở các tỉnh phía Nam. Về lâu dài, anh dự định mở rộng thêm diện tích trồng sen tại quê nhà. 

Phía Nhật Bản dự kiến đầu tư xưởng, công nghệ chế biến củ và ngó sen với công suất 1 tấn thành phẩm/ngày ngay vùng nguyên liệu. Hiệu quả cao, anh Sửa mong muốn về lâu dài sẽ chuyển giao kỹ thuật và giống cho người dân địa phương cùng trồng, thậm chí bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Hiện anh Sửa vẫn tiếp tục hợp tác với một số đơn vị sơ chế trên địa bàn tỉnh để sản xuất một số mặt hàng theo yêu cầu của các đối tác trong và ngoài nước. Ngoài ra, anh và người thân cũng tự nghiên cứu, tìm tòi các công thức chế biến các sản phẩm từ củ và ngó sen ngay tại nhà.

Dù lợi nhuận từ việc xuất khẩu trước mắt mang lại giá trị kinh tế cao, song để tìm đầu ra ổn định hơn nữa cho củ, ngó sen, anh Sửa vẫn miệt mài tìm thị trường nội địa. Củ và ngó sen có thể làm các món ăn ngon như nộm, chiên xù, kẹp thịt, kẹp chả cá, làm kim chi, nấu chè củ sen; tinh bột củ sen còn được dùng để làm đẹp... Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng của người dân miền Bắc với loại thực phẩm từ củ sen, ngó sen chưa nhiều. 

Anh Sửa thừa nhận đây cũng là khó khăn lớn nhất mà anh đang gặp phải. "Việc mở rộng thị trường ngay tại địa phương và các tỉnh lân cận rất khó khăn. Có khi bản thân tôi phải chạy xe máy tới từng tỉnh, mời khách hàng dùng thử, chỉ mong người dân làm quen và chấp nhận loại thực phẩm này", anh Sửa nói. Hiện nay các loại củ, ngó sen tươi, chua ngọt, ướp muối, sấy khô... được anh xuất bán tại chợ đầu mối, đại lý ở các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Ðịnh, TP Hồ Chí Minh...

Mô hình trồng sen của gia đình anh Sửa đang tạo việc làm thời vụ cho  hơn 10 lao động, cao điểm lên tới 30 lao động với thu nhập 140.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Anh Sửa mong muốn chính quyền địa phương và bà con tạo điều kiện cho thuê đất lâu dài để sản xuất ổn định.

Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ở Hải Dương người dân trồng sen nhiều nhưng trồng sen lấy củ và ngó chưa phổ biến. Anh Sửa là người đầu tiên trồng sen lấy củ và ngó quy mô lớn. Trước mong muốn của anh Sửa, bà Kiểm khẳng định tỉnh luôn có chính sách ủng hộ và khuyến khích tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao. Tỉnh đang xây dựng chính sách khuyến khích những tập thể, cá nhân đầu tư thuê lại diện tích ruộng bỏ hoang, kém hiệu quả để sản xuất lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.

create
Lê Hương / baohaiduong.vn

Copyright © Sen Hoa Lu. All Rights Sen Hoa Lu

Thiết kế bởi Aptech